About me

I call myself a writer, sometimes.


11.12.13

Câu chuyện ăn phở

   Sáng chủ nhật đi ăn phở cùng bố.
Chắc phải lâu lắm rồi hai bố con mới ngồi ăn phở cùng nhau. Phần vì bố không thích ăn ở ngoài, phần khác là do bố nấu nhiều món Việt rất khá, không loại trừ phở cả bò lẫn gà. Tất nhiên theo phong cách nấu chất lượng đặc trưng chỉ thấy ở các nồi phở gia đình, gồm rất nhiều xương ống để làm ngọt nước, bánh phở mua ở ngoài nên hơi dày so với gu ăn bánh cắt mỏng của mình. Tô phở bố làm chắc chắn nước sẽ rất trong, nhưng có vị ngọt xương và mùi thơm của quế và hồi nướng. Đó là chưa kể trong suốt quá trình ăn, bố liên tục gắp thêm thịt vào tô cả nhà, đen độ mẹ phải xua tay nói không độ mươi lần bố mới chịu thôi. 
 
Thế mà sáng nay ở phở Bà Hoa có cảnh khách sáo một cách kỳ cục trước mặt thằng ku bồi bàn. Hai bố con tranh nhau trả tiền. Kỳ lạ, đứa con suốt ngày dẫn bạn đi ăn chẳng tiếc tiền trả cho bạn mà cuối cùng bố nó lại không cho móc ví tiền. 
 
Nhắc lại nhớ những ngày những ngày học lớp 1 trường Bành Văn Trân. Sáng nào bố cũng chở con gái đi học, nhưng trước nhất phải có "thủ tục" ăn phở Ngọc. Một tô phở ngày đó chắc 5.000đ, bố xin thêm 1 cái chén con xắn ra xong kiên nhẫn chờ đến khi động tác nhai nuốt chậm chạp hoàn tất, húp thêm một cái trứng gà, phần phở còn dư trong tô bố sẽ "xử lý" hết.
Vậy mà cái phở Ngọc bây giờ cả nhà không ai đặt chân đến nữa. Kỳ, nhà phở Ngọc xây lầu cao cửa rộng chứ có còn nằm giữa đồng không mông quạnh như ngày xưa đâu. 
 
Chắc là mỗi một tiệm phở chỉ nên gắn với 1 giai đoạn nhất định thôi. Lớn lên thêm vài tuổi có phở 17 gắn bó với nhà này ở một điểm: không bao giờ gia đình mình ra đó ngồi húp sùm sụp như người ta. Quãng thời gian lớp 9 học buổi sáng lúc 6:30g là 6g đúng bố xách cà mên ra phở 17. Mình buồn cười nhớ lại những lần bố kể buổi sáng người ta vừa mở hàng mà phải muối mặt dặn xin thêm nhiều bánh, nhiều nước. Cái cà mên đo sẽ được chia làm 3 tô, mỗi người húp 1 tí gọi là "cho ấm bụng" và thế ai nấy chia tay nhau đi làm và đi học. Nhớ đến phở 17 cũng là nhớ đến hình ảnh "phở nát phở trương". Mùa hè ngủ thật trễ không phải dậy đi học, luc nào dậy cũng sẽ có cảnh tô phở trương bánh lên, nước cạn queo, lại lui cui hâm lại cho nóng đến độ mất cả mùi phở thơm. 
Rồi bây giờ cũng chẳng ăn phở 17 nữa. 
 
Không phải lúc nào cũng vô lý. Có những lúc bỏ thói quen ăn ở quán quen vì những lý do không thể hợp lý hơn. 
 
Có một dạo mình rất thích phở Anh vì rất gần nhà bạn trai cũ. Mỗi lần sang bên đấy thì kiểu gì cũng phải ghé qua vì hàng phở đông rất "bắt mắt", từ xa có thể cảm nhận mùi thơm của quế lẫn hồi đặc trưng và cả sự chuyên nghiệp. Nhân viên được "chuyên môn hoá" có khi còn đông hơn khách, người dắt xe, người chuyên mang rau sống, người chuyên ghi order, người chuyên bưng phở, người chuyên trụng bánh, người chuyên bằm thịt, sắp ra mâm, châm nước,... Một tô phở ngon đầy đặn không quá hai mươi lăm nghìn, tất nhiên ngoài chuyện rẻ và tiện đường đi ngang nhà bạn trai cũ thì chả còn lý do gì để mình đi xe 4 cây số xuống khu vực này chỉ để ăn phở. (Quanh nhà đầy tiệm). Coi vậy mà cũng gần hai năm rồi. 
 
Sáng nay lúc úp cả đia giá vào tô, bố có tặc lưỡi chê ở đây thịt loe hoe vài miếng mà gần bốn chục nghìn, chả bù cho Phở Đệ Nhất ôi thôi thịt no tới tận hôm sau. Thế là trí óc lại dắt díu nhau về những ngày bố chuyển công việc nơi khác phải làm ca 24 giờ, gần như 1 tuần 2 mẹ con đưa nhau ra Phở Đệ Nhất. Tuy mẹ là bác sĩ nhưng thói quen ăn phở của hai mẹ con thì chắc người khác nghe phải nhăn mặt vì quá "lành mạnh". "Hai tô tái lấy nhiều bánh và nước béo em nhé". "Nay cho chị xin thêm chén nước béo nữa đi nhé". Biết là chả bổ béo gì, nhưng nhìn tô phở trong veo thấy "chán" - theo như lời mẹ,  và "tụt mất cảm xúc", tự dẫn lời mình. 

(Phở Đệ Nhất - Phạm Văn Hai)
 
Bố mà biết phở Phở Hùng các đồng chí Tây bạn mình hay ăn, kích cỡ chất lượng tương tự mà gần bảy mươi nghìn một tô chắc chắn sẽ làu bàu suốt cả ngày.
 
Lại nhớ có lần hai bố con về Bắc, có đôi ngày nghỉ ở khách sạn phố Chân Cầm, sáng nào cũng ra hàng phở đầu phố ăn vì hàng này khá đông và phục vụ nhanh, lịch sự (lúc đấy vẫn còn sợ hãi vì lời đồn hàng quán ngoài Bắc vô cùng hung dữ, muốn ăn phở phải cúi đầu cấm không được mở mồm, xếp hàng ngoan ngoãn các kiểu nghe rất khiếp). Phở ở ngoài Bắc khác biệt ở chỗ sẽ có đĩa quẩy và lọ dấm tỏi bên cạnh. Mãi sau nói chuyện với người nhà thì biết đấy là phở Lý Quốc Sư nổi tiếng. Dù gì thì chất phở cũng đã hơi bị "quốc gia hoá" với chai tương đen, tương đỏ, điều này vô cùng quan trọng vì không khi nào bát phở của mình thiếu một trong hai thứ trên. 
 

(Phở Lý Quốc Sư Hà Nội với đĩa quẩy nóng đặc trưng)

Không chỉ mỗi hàng phở gắn liền với một giai đoạn thời gian, có đôi lúc mỗi hàng phở lại gắn với con người. Chẳng hạn như đã nói, bố mẹ chỉ thích ăn phở Đệ Nhất. Thằng Khoa bạn thân thích phở Hải. Bạn trai cũ chọn phở Anh gần nhà. Mình không có ưu tiên phở nào hơn kém, chỉ cần tô phở nấu theo vị Nam, tức là bánh phở phải mềm và được cắt mỏng nhỏ như sợi hủ tiếu, thịt bò tái bằm mềm (vì mình thích nghe tiếng dao bằm thịt rộn vang khắp quán) sóng sánh cạnh bò viên tròn thô ráp (chứ không phải bò viên pha nhiều bột bề mặt trơn láng), một bát trứng gà lấp sấp những sợi hành thái nhỏ, tiêu rắc phía trên nóng hổi. Mình không thích ăn rau sống nhưng nếu tô phở bưng ra thiếu rổ rau sống gồm ngổ, bạc hà, đĩa giá bên cạnh cũng cảm thấy thiếu thiếu gì đó. 
 
Chuyện ăn phở những tưởng đơn giản
.