About me

I call myself a writer, sometimes.


19.10.09

Cho những ngày không xưa


Viết tặng bố mẹ tôi...


Năm 1986, bố mẹ lấy nhau.

Ngày đó cả hai cùng nghèo, họ hàng, anh em ruột thịt của bố ở ngoài Bắc. Mẹ và bố đạp xe từ chợ Bến Thành ra tận Bình Triệu (ngày ấy, ga tàu ở đấy, chứ không phải ở Hoà Hưng như bây giờ) đón các bác, các chú vào chung vui. Đám cưới tổ chức đơn giản, một mình bố lụi cụi làm thịt hai mươi con gà suốt đêm làm bốn mâm đãi khách. Vậy mà sau này đến cả một tấm hình cưới trắng đen cũng không có. Đến bây giờ, bố vẫn còn hay kể lại chuyện mẹ bắt bố móc ngoéo, lúc đó không được phép sinh con, thân mình còn chẳng đủ no, huống hồ...

Cũng vì nghèo, bố phải ở rể nhà bà ngoại. Năm ấy, bố còn làm công an, ngày trực, ngày về. Nghe kể hồi đó bà Bé dưới quê mẹ nhờ bố hộ tống theo xe hàng đi khắp tỉnh miền Tây, chỉ cần bố ngồi sau xe, mặc áo công an là suốt chặng đường không ai dám kiểm tra xe. Tính bố vốn chịu khó, nuôi hẳn cả đàn vịt, cá rô phi, vài mảnh rau trong doanh trại. Mà đâu phải chỉ bố mẹ, những năm 88-89, nhà ai chả khó khăn.

Khoảng một năm sau, bố bỏ ngành sang bên xí nghiệp giấy Viễn Đông tận Bà Quẹo. Mỗi sáng bố đạp xe chở mẹ từ Trần Hưng Đạo lên Bảy Hiền đi làm, rồi lại đạp sang xí nghiệp, tới chiều cả hai đạp xe về nhà bà. Mỗi tối, bố và mẹ xuýt xoa mơ đến chiếc xe Cub, đến cái tivi trắng đen coi thời sự...

Tất nhiên lúc đó không có tôi, những gì tôi kể trên đây chỉ là nghe kể lại, trong ánh mắt lấp lánh của mẹ.


Phải tới tận đầu năm 90, sau khi cưới bốn năm, mẹ mang bầu tôi, ốm nghén dữ dội lắm. Ai cũng bảo tôi phá như thằng con trai, bình thường mẹ vốn xốc vác, khỏe mạnh thế mà lúc ấy nằm liệt ra. Nhưng chỉ vừa hết nghén, mẹ phăm phăm đi xe đò ngay xuống Long An mua xe Cub, hồi đó giá xe hơn một chỉ hai, bằng cả gia tài của hai vợ chồng. Ước mơ năm nào của bố mẹ giờ đã thành sự thật.

Tới năm 93, mẹ được bệnh viện Thống Nhất cấp cho căn nhà tập thể tầng ba ở Cư Xá Tự Do. Mọi sinh hoạt diễn ra vỏn vẹn trong "căn nhà" 26 mét vuông ấy cũng gần tám năm. Đó là tám năm liền bố dậy từ 4h sáng canh nước máy, bố và mẹ hai tay nặng trĩu hai xô nước xách lên lầu ba khu tập thể. Đó còn là những ngày mẹ trực đêm trong bệnh viện, bố ở nhà trông con, dỗ con ngủ. Không có mẹ, tôi khóc rền rĩ suốt đêm. Không biết hát ru ầu ơ, bố dỗ tôi bằng nhạc đỏ, bằng Trường ca sông Lô, Tiểu đoàn 307, bằng Hành khúc ngày và đêm... Có nhiều đêm không dỗ được, bố phải bồng tôi vào tận khoa mẹ, kê cạnh giường mẹ một cái ghế bố dài, cả nhà cùng trải qua những đêm trong bệnh viện.



"Rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ"...

Căn nhà ở suốt tám năm có nhiều thứ để nhớ và gắn bó, nhất là khi ta đã trải qua quãng thời gian ấu thơ đáng nhớ nhất.

Khoảng vài năm sau, mẹ bắt đầu mở một phòng mạch bé bên đường Bùi Thị Xuân, làm lúc chiều tối. Làm sao quên những buổi tối cơm nước xong, hai bố con lại lang thang xuống công viên trước khu tập thể, ngồi vắt vẻo ghế đá dưới cây phượng già chờ mẹ về, giết thời gian bằng trò chơi Câu lạc bộ âm nhạc tự chế của bố. Tay đập muỗi liên hồi nhưng miệng vẫn hát nghêu ngao.

Tết Mậu Dần năm 98, gia đình tôi ra Bắc, về thăm quê nội.
Đó là lần đầu tiên mẹ ra mắt chính thức họ hàng nhà chồng, biết mặt bố chồng, hơn mười năm sau ngày cưới.

Trước đó một tuần, mẹ ra chợ mua gần chục ký mứt đủ loại, mứt dừa, gừng, bí, hạt sen... Suốt hai ngày trời, bố mẹ xếp thành những gói nhỏ nhiều loại mứt. Tôi ngồi cạnh hơ lửa từng gói rồi bấm lại cho kín gió. Chỉ thế thôi là thành cả chục gói quà tết cho các anh chị em bố ngoài quê.

Đó là lần đầu tiên con nhóc con gầy đen, mắt ốc nhồi được đi tàu hoả, đi lâu thật là lâu, hai ngày một đêm ngồi trên tàu ngây người ra trước biển miền Trung xanh thăm thẳm, ẩn hiện phía sau là những dãy núi, những đường hầm tối thui, kín bưng bưng, những nhà ga nhộn nhạo với những giọng nói lạ lẫm đủ vùng miền.

Đó cũng là cái tết xa nhà đầu tiên... rúm ró khăn áo ba bốn lớp trong cái lạnh miền Bắc, cả nhà hàng chục con người quây xung quanh lò than hồng đỏ, biết thế nào là nói ra khói và đi chợ Âm phủ ăn bún ốc. Mẹ còn mãi nhắc chuyện ê mặt khi phải khệ nệ xách bó mía còn gốc lẫn ngọn từ quê lên đi nghênh ngang giữa thủ đô...

Cùng hè năm đó, chúng tôi xây nhà. Bố mẹ tất tả suốt ba tháng trời. Một tay mẹ chọn vật tư, coi thợ, tính toán, cộng trừ tiền bạc chi ly vào sổ từng viên gạch, ly cà phê cho thợ mỗi ngày. Làm nhà dường như là việc vất vả nhất cả đời người. Đến tận bây giờ về Bắc nhìn các anh em làm nhà, bố vẫn thường hãnh diện khoe với các bác, chú: "Bà nhà tôi giỏi lắm, ai làm nhà cũng nợ nần, chẳng hiểu sao xong xuôi tính lại thấy dư ra tận mười triệu, chả phải vay ai cả."

Đó là căn nhà hiện tại.

Cũng hơn hai chục năm rồi.

Chuyện bố mẹ kể mãi cũng chả hết, và vì cũng chả có lời nào diễn tả hết.

Chợt nhớ hai câu đầu bài Chênh vênh, xin trích ra, coi như cái kết không hoàn chỉnh.

Thương em anh trèo non cao

Mua mưa thu mây tan mệnh bạc

Thương anh em lội sông sâu

Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc...